Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Thực dưỡng có chữa được bệnh không


Hỏi: Con tình cờ có nghe phương pháp thực dưỡng của Tiên Sinh Oshawa. Có thực phương pháp này chữa được nhiều bệnh không? Con đã hỏi nhiều vị tu sĩ nhưng không có câu trả lời thoả đáng. Kính mong quý Thầy và quý sư cô soi sáng thêm cho con. Con thấy bây giờ thực phẩm sao ghê quá kể cả ăn chay cũng vậy. Con có nghe vị giảng sư giảng về thực dưỡng nói: Tu sĩ là phải tự cứu được mình không thể mang thân của mình mà đi nhờ nguời khác chữa được. Như thế có đúng không thưa Thầy? Sao con thấy tu sĩ bệnh nhiều quá, kể cả những vị có chức danh cao... Con thật sự chưa rõ.

Sư cô Chân Không xin chia sẻ: Em không nên chờ đợi ai cho em câu trả lời thỏa đáng được, họ đâu phải là đấng thượng đế biết hết mọi việc. Quý Thầy và sư cô Làng mai là học trò của Bụt. Bụt dạy nhìn sâu, quán chiếu rõ thì thấy được câu trả lời. Em nên dùng tâm bình an của em, sự thông tuệ của mình mà tìm giải đáp lấy. Cứ nghe người ta giải thích nhưng phải tự tìm giải pháp của chính mình. Sau đây là sự thực tập của sư cô. Nhờ có quán chiếu sư cô thấy như vầy: thức ăn ngày nay đúng như em nói, có nhiều hóa chất quá. Hóa chất tự nó không xấu nhưng người trồng muốn thấy trái nhiều và quả to trong thời gian ngắn nên đã dùng rất nhiều phân hóa học, bất chấp liều lượng và những phản ứng phụ có thể rất độc hại. Còn người mua đi bán lại thì rất nhiều trường hợp, muốn cho quả đẹp, người ta ngâm trong nước thuốc bỏ màu, nhìn qua rất tươi mát bóng loáng nhưng độc hại cho sức khỏe. Phương pháp Oshawa dạy người ta chỉ ăn gạo lức muối mè là những chất có nhiều chất cần thiết cho cơ thể con người. Trong hai thứ này có cả những chất khoáng với liều lượng thật ít nhưng thật cần thiết cho cơ thể. Có người bệnh vì thiếu những chất khoáng đó hay thiếu quân bình âm dương sao đó nên bệnh không trị được bằng thuốc thông thường. Họ thử ăn uống theo gạo lức muối mè thấy có hiệu quả ngay. Họ cho là thần diệu. Nhưng có người bệnh vì nguyên nhân khác thì không thể chữa được theo phương pháp Oshawa. Tuy nhiên dù không hề đọc sách hay nghe giảng về phương pháp Oshawa nhưng ở Làng Mai quý thầy quý sư cô nấu ăn luôn có vừa gạo trắng vừa gạo lức. Ăn gạo nào cũng được, dạy nhai thật nhuyển, thật kỹ. Ăn như thế vẫn có lợi cho sức khỏe như thường. Sư Cô chưa hề đọc từng câu từng chữ phương pháp này nhưng nghe loáng thoáng là theo phương pháp Oshawa là ăn gạo lức muối mè mà không ăn các thức ăn khác thì sư cô nghĩ là ăn uống như vậy rất lành, “không giúp bề ngang cũng lợi bề dọc!”

Nhưng ăn uống chỉ giúp được phần thân mà thôi, con người cũng cần được nuôi dưỡng bằng những thức ăn của tâm nữa và phải nuôi thân tâm bằng bốn loại thức ăn thật lành theo lời Bụt dạy thì người mình mới có nếp sống nhẹ nhàng thoải mái và điều độ. (Em phải tới Làng Mai hay Tu Viện của Làng Mai (như Lộc Uyển- Cali, Bích Nham-NYC, Bát Nhã-Bảo Lộc hay Từ Hiếu, Diệu Nghiêm-Huế... gần nơi lưu trú của em để học hỏi). Ăn uống theo tiêu chuẩn bốn loại thực phẩm lành thì nhờ thế bệnh sẽ giảm đi nhiều và thân tâm thêm khỏe mạnh, thêm từ bi. Em ơi, tu sĩ hay người không tu đều có bệnh, hễ có thân thì có khi khỏe mạnh và có khi bệnh. Nếu là người vô danh thì khi bệnh ngặt nghèo cũng không ai biết. Em thử vào bệnh viện đi. Bao nhiêu là bệnh cho bao nhiêu người nhưng có ai biết đâu, nhưng nếu em là Thượng Tọa hay Hòa Thượng của Chùa lớn nào, của tu viện nào thì thân đổ bệnh như hàng trăm người khác nhưng thiên hạ đồn ầm lên: Hòa Thượng Y bị tiểu đường nặng lắm. Thượng Tọa XX bị tai biến mạch máu não... Rồi thiên hạ suýt soa: Tội nghiệp Hòa Thượng quá, tội nghiệp Thượng Tọa XX quá. Tại vì Thượng Tọa, Hòa Thượng có hàng ngàn đệ tử, còn các người bệnh kia thì nhiều lắm là vài chục người thân biết mà thôi. Cái cách em hỏi giống như tại tu mới bệnh nhiều thì không đúng. Đi tu nhẹ nhàng hơn người phải bon chen ở đời nhiều. Người tu theo Bụt dạy thì phải dấn thân giúp đời nhưng không bon chen, làm nhiều mà như chơi thôi nên thân cũng ít bệnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét