Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

VỀ PHONG TRÀO ĂN GẠO LỨT-MUỐI MÈ




Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.


Quý huynh đệ thân mến


Đức Phật đã xác nhận một sự thật chung đồng: cuộc đời này ai trong chúng ta cũng phải trải qua 4 nẻo đường sinh – lão – bệnh – tử. Bản thân Ngài nhiều lúc cũng gặp nạn, cũng không tránh khỏi nghiệp của thân: Ngài bệnh lỵ sau bữa ăn do Culla cúng dường, sau đó, Ngài nhập thiền, xuất thiền và cuối cùng, từ giã chúng tăng nhập Niết Bàn.


Chúng ta tự nhận mình là Phật tử, chúng tôi mong rằng quý huynh đệ dùm nhớ lại hai điều:- Có một con đường tên là Bát Chánh Đạo được Đức Phật đã giới thiệu trong bài pháp đầu tiên Tứ Thánh Đế cho 5 anh em ngài Kiều Trần Như ở Vườn Nai. - Chánh Kiến là chánh đầu tiên trong 8 chánh, căn bản cho việc tu hành của chúng ta. Trong bài kinh Thừa Tự Pháp, trong Trung Bộ Kinh tập I, chúng ta tìm thấy Đức Phật với lòng thương tưởng tất cả chúng sinh, khuyên chúng ta “hãy là người thừa tự pháp chứ đừng làm kẻ thừa tự tài vật”. Nghĩa là tu theo lời Phật dạy, không gì hơn thực hiện Bát Chánh Đạo, bắt đầu công phu tu hành với một chánh kiến đúng đắn.


Câu kệ 204 trong kinh Pháp Cú, ghi rõ:


Không bệnh, lợi tối thượng,


Biết đủ, tiền tối thượng.


Thành tín đối với nhau,


Là bà con tối thượng.


Niết-bàn, lạc tối thượng


Qua đó, chúng ta thấy Đức Phật thừa nhận điều lợi đầu tiên là “không bệnh” và không gì sánh bằng hạnh phúc Niết Bàn.


Buổi đầu rời khỏi cung vàng điện ngọc, Đức Phật đã chọn con đường khổ hạnh đệ nhất, một cực đoan so với cuộc sống một vị thái tử cao sang, quyền quý của Ngài trước đây, nhưng Ngài thấy sự hành trì này chỉ đem lại sự suy sụp của cơ thể, vì thế, Ngài quyết định chọn con đường trung đạo, ăn để có sức khỏe tu học, phục vụ con người, xiển dương chánh pháp chứ không phải vì thỏa mãn tính tham ăn ngon, cũng không được nhịn với niềm tin khổ hạnh cực độ nhanh chóng đưa mình đến giải thoát giác ngộ. Chúng ta dọc trong kinh tạng Nikaya, luôn luôn thấy nhắc nhở việc ăn uống của quý thầy cô được đặt kèm điều kiện ắt có và đủ là “có tiết độ” và được xem như một nền tảng của đời sống xuất gia. ...........


Thế thì chúng ta nghĩ thế nào, sao đành lòng quay lưng với Tứ Thánh Đế, với Bát Chánh Đạo để chọn con đường tu học nghe rất “nổ”: lấy cái ăn làm nền tảng giải thoát vĩnh cửu, cải nghiệp, chỉnh đổi kinh tế, giúp thông minh hơn, dễ có con, đứa con được sinh ra siêu xuất không ai bằng, đạt đựơc trật tự thể của vũ trụ, hướng đến nguyên lý nhất nguyên, không phân biệt nhị nguyên đúng sai – phải trái, vượt thoát vòng lẩn quẩn của tam thức, thấy tận cùng của tâm linh qua việc tu tập vật chất (ăn gạo lứt muối mè), xóa mọi rào cản tôn giáo, tạo cơ hội cho 5 châu sum họp, gần nhau!!!


Quý huynh đệ có thể tin rằng mình áp dụng gạo lứt muối mè sẽ đạt được ngần ấy lời hứa hẹn như trên ư? Quý huynh đệ chỉ xem trên vcd quảng bá những nhân vật tiếp thị cho vị thầy tuổi trẻ tài cao ở Long Hương, còn những người thân tàn ma dại không thấy xuất hiện trong kịch bản và được quy lỗi là áp dụng không đúng công thức của tiên sinh mới ra nông nỗi như thế. Không ai nhận ra chỗ không đúng pháp của người hứa hẹn, chỗ đi lạc khỏi con đường Phật đạo của người hứa hẹn, chỗ tà kiến của. người hứa hẹn.


Oshawa chỉ hướng dẫn ăn gạo lứt muối mè mà quý huynh đệ đã tôn sùng, xưng tụng tiên sinh rồi xì xụp lạy, mà quên rằng mùng 10 tháng 3 âl là ngày Quốc Lễ, ngày giỗ Vua Hùng. Việc chọn ngày kỷ niệm tiên sinh Oshawa của vị thầy trẻ tuổi tài cao kia chắc chắn có chủ ý làm cho quý huynh đệ quên mình là con cháu Rồng Tiên vì cứ thầy luôn miệng tự khen thương hiệu gạo lứt muối mè đã xóa mọi rào cản tôn giáo, tạo cơ hội cho 5 châu sum họp, gần nhau, và đa số fan gạo lứt muối mè của thầy bày tỏ cảm kích “giảm bệnh nhờ năng lượng được nhìn thấy tiên sinh, được nhìn thấy Sư Phụ”!!!


Chúng tôi rất buồn khi nghe có những huynh đệ kể chuyện, tự hòa đồng mình như con chiên của tôn giáo bạn, bày tỏ vui mừng vì nhận đươc ân điển bề trên, quên mình là đệ tử Phật. Ôi! Đức Phật dạy chúng đệ tử rằng Đạo Phật thiết thực, có nền tảng trên nhân quả, hiểu rõ mình là chủ nhân và thừa tự các hành vi, lời nói và suy nghĩ của mình, quý huynh đệ quên mất cả rồi sao! Chưa bao giờ Đức Phật dạy ta tin Đức Phật như một thần thánh thưởng phạt chúng sinh. Sự gia hộ của Đức Phật nằm trong nhân quả, Ngài chỉ là bậc đạo sư dẫn đường (nhưng quý huynh đệ đã không chịu đi theo mà đặt niềm tin trọn vẹn vào Oshawa!) và việc hành trì là phần của bản thân mỗi người phải trau dồi (Đức Phật chưa bao giờ dạy đệ tử niềm tin theo kiểu Thần quyền mà!!!).


Chúng tôi mong rằng quý huynh đệ bình tĩnh đặt vấn đề lại cho nhau:- Tiên sinh Oshawa có nhập Niết Bàn như Đức Phật chăng?- Tiên sinh Oshawa dạy ăn gạo lứt muối mè sẽ thu họach được nhiều thứ nhưng tiên sinh cũng không khỏi sinh lão bệnh tử, và thực sự phương pháp ăn Macrobiotics của Oshawa nêu rõ: một phương pháp dưỡng sinh và chữa bệnh bằng cách ăn uống ngủ cốc và rau quả toàn phần không có sự hổ trợ của hoá chất. Cần yếu của cách ăn này là làm sao bảo đảm được nguồn cung cấp thực phẩm sạch, không có chất hoá học. Cách ăn uống nầy không chỉ tạo nên những con người khoẻ mạnh mà còn xây dựng nên một thế giới hoà bình và hoà hợp. Do ăn nhiều các loại đậu và ngũ cốc có giá trị phòng và chống ung thư do những thức ăn nầy chứa nhiều hợp chất Inositol Pentakisphosphate có tính năng ức chế được enzyme phosphoinositide 3 – kinase vốn thúc đẩy sự phát triển các khối u ung thư. (theo http://www.ykhoanet.com/yhoccotruyen/voha/vh007.htm )Lướt web, chúng ta sẽ gặp trang http://www.thucduong.vn/ , có cả một bài viết về cuộc đời Oshawa. Nói chung, theo tác giả Herman Aihara, vốn là học trò của Oshawa, dần về sau, hậu thế có những thay đổi, không giữ ý nguyện ban đầu của Oshawa.


Ây là: Nếu bạn muốn giải quyết bất cứ vấn đề gì bao gồm cả việc muốn có thế giới hoà bình bạn phải bắt đầu từ bản thân mình bằng việc ăn uống tự nhiên và theo nhu cầu của thân thể thông qua sự áp dụng về triết học âm và dương bạn có thể thiết lập hoặc duy trì sức khoẻ của bạn. Sức khoẻ đúng dẫn đến hạnh phúc thật sự và một xã hội hoà bình có thể được xây dựng bởi một đội ngũ những cá nhân hạnh phúc thật sự. Thông qua việc rèn luyện, thiền định hàng ngày và sẽ khoẻ hơn, bất cứ cái gì - kể cả hạnh phúc hoàn toàn hoà bình nội tạo và tự do cá nhân – có thể được thực hiện.


Chúng tôi không phản đối việc từ chối dùng thực phẩm được sản xuất có nguồn gốc hay có phụ gia hóa chất. Chúng tôi không phản đối triết lý âm dương nhưng chúng tôi nhận thấy về sau, quả thực, mọi người đặt hết trọng tâm vào việc ăn thay vì rèn luyện thiền định hàng ngày mới là việc chính yếu mang lại hạnh phúc thực sự cho từng cá nhân và góp phần hạnh phúc chung cho nhân loại.Quý Phật tử có thể tìm đáp án cho chính mình qua 4 loại thức ăn mà Đức Phật đã dạy như sau ( Kinh Chánh Tri Kiến, TRUNG BỘ KINH I).


Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn, tuệ tri tập khởi của thức ăn, tuệ tri đoạn diệt của thức ăn, và tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này. Chư Hiền, thế nào là thức ăn, thế nào là tập khởi của thức ăn, thế nào là đoạn diệt của thức ăn, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn? Chư Hiền, có bốn loại thức ăn này, khiến các loài chúng sanh đã sanh được an trú hay các loài hữu tình sẽ sanh được hỗ trợ cho sanh. Thế nào là bốn? Ðoàn thực, loại thô hay loại tế, xúc thực là thứ hai, tư niệm thực là thứ ba, thức thực là thứ tư. Từ tập khởi của ái có tập khởi của thức ăn, từ đoạn diệt của ái có đoạn diệt của thức ăn. Thánh Ðạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, tức là: Chánh Tri kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn như vậy, tuệ tri tập khởi của thức ăn như vậy, tuệ tri đoạn diệt của thức ăn như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên "Tôi là", đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này.


Đức Phật dạy chúng ta sinh ra, lớn lên, được nuôi sống do thức ăn mà thành.


Có 4 loại thức ăn:


• Đoàn thực: Kabalinkàro àhàro: thức ăn giúp thân ta mạnh khỏe hay bệnh họan.


• Xúc thực: Phassàhàro: thức ăn đem lại cảm thọ (vui ưa hay khó chịu), cảm giác (nóng hay lạnh).


• Tư niệm thực: Manosancetanàhàro: thức ăn đem lại nhu cầu cho tâm trí như sáng tạo, gợi nhớ…


• Thức thực: Vinnanam àhàro: thức ăn tinh thần, thỏa mãn khát khao hiểu biết.


Theo lời Phật khuyên, chúng ta phải biết tiết chế khi ăn, biết vừa đủ khi ăn, ăn đúng thời, không ăn phi thời. Chúng ta nên ăn với chánh kiến “biết rõ thức ăn ấy”, “biết rõ thức ăn ấy tác động lên thân tâm như thế nào”, “biết rõ thức ăn ấy từ đâu mà có”, “biết rõ khi ăn những thức ăn ấy phải diệt trừ những cảm thọ cũ, không sinh khởi cảm thọ mới như thế nào”, “biết rõ đoạn trừ tham sân si, tà kiến, ngã chấp đang ngủ ngầm trong tâm như thế nào”.


Thật vậy, tất cả mọi sự việc đều xuất phát từ chỗ yêu ghét, muốn chấp giữ, muốn thế này, thế kia trăm nghìn thứ, muôn nghìn kiểu theo ý mình: đó chính là con đường đưa đến đau khổ mà thôi. Có biết rõ 12 nhân duyên, có biết rõ con đường đưa đến đau khổ chúng ta mới có được chánh kiến, tin sâu Phật Pháp và thành tựu đạo mầu


Trở lại vấn đề gạo lứt muối mè, chúng ta ăn đơn điệu như thế, uống ít nước thì cơ thể ta chóng suy sụp, mọi sinh hoạt cá nhân trở nên khó khăn, làm sao cơ thể ta chống chọi lại sự tấn công của vi trùng, vi khuẩn bên trong cũng như bên ngoài. Lại nữa, một món ăn dù ngon, dù bổ mà đem vào cơ thể mãi, chắc chắn chỉ tích lũy thành chất thừa thải, gây độc hại cho chính cơ thể mình. Cây tưới urea nhiều không thể cho hoa quả và sinh lý cây xáo trộn đưa đến không tồn tại. Dầu cá tốt cho mắt nhưng dùng nhiều làm giãn đồng tử, thậm chí mù mắt


Chúng tôi xem, nghe các “bệnh nhân” tuyên bố hết cơ man là bệnh nan y trầm trọng sau 30 – 60 ngày ăn gạo lứt muối mè, chúng tôi càng kinh hãi và e rằng các bệnh nhân quá phóng đại. Bệnh là chuyện tất nhiên ai cũng phải trải qua, ít nhiều, nặng nhẹ, lâu mau là tùy nghiệp, tùy phước đời trước chi phối. Hết bệnh nghĩa là hết nghiệp! Có thể vô lý đến thế sao!Chúng ta gây tạo bao nhiêu nghiệp xấu ác, chúng ta không nhớ hết, vậy mà ăn gạo lứt muối mè, đủ “công lực” để tẩy sạch bộ máy tiêu hóa và tẩy sạch nghiệp quả lâu đời lâu kiếp nhanh gọn được ư? Thật chẳng khác trò ảo thuật chút nào! Đức Phật trải qua vô lượng kiếp tu hành, khi làm thú, khi làm người, khi là chư thiên. Đến kiếp sau cùng thành Phật, phải 6 năm khổ hạnh, 49 ngày nhập định mới đạt được giải thoát giác ngộ. Chúng ta đâu có cái phước trí tuệ, đâu đủ phước báu một chuyển luân vương mà cải nghiệp, giải thoát vĩnh cửu, vượt thoát vòng lẫn quẫn của tâm thức? Quý huynh đệ có nhận ra sự bịp bợm, xảo trá, qua mặt mọi người để “bậc thầy” nào đó huênh hoang, xiển dương để được tiền và được nổi tiếng hay không ạ?Người có cuộc sống tay làm hàm nhai, có đồng nào xào đồng nấy, mượn nợ ăn trước, trả sau, thiếu trước hụt sau làm sao áp dụng phương pháp này? Thế thì có phải gạo lứt muối mè đây chỉ phục vụ người khá giả, có của ăn của để trong thời gian điều trị? Nếu rủ nhau ăn gạo lứt muối mè thì ngành sản xuất lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, sinh hóa v.v. về đâu? Chúng tôi nhớ không lầm thì khi chúng ta phát nguyện quy y Tam Bảo, chúng ta được thầy bổn sư mình dạy “quy y Phật rồi, không được quy y tà thần quỷ vật”. Chắc chắn một điều, Oshawa có tài giỏi cũng không hơn Đức Phật, sao chúng ta chấp nhận bỏ lõi cây cứng chắc, để ôm mớ vỏ cây dòn gãy mà cho rằng mình được gỗ quý. Quý huynh đệ có đồng ý với chúng tôi không ạ?Chúng tôi xin kêu gọi quý huynh đệ đừng chạy theo phong trào. Hãy suy nghĩ lại, cái gì cũng có mức độ nào đó chứ không thể tuyệt đối. Chúng ta là Phật tử, thiếu chánh kiến, chúng ta lạc vào rừng tà kiến ngay. Chúng ta không thể bỏ Bát Chánh Đạo, chỉ theo đuổi gạo lứt muối mè mà thành chánh quả được đâu. Bận rộn cái ăn là một vướng mắc rất lớn. Ngày xưa, Đức Phật và các vị đại đệ tử đều trì bình khất thực, ai cho gì dùng nấy mà đắc đạo. Nay, chúng ta không theo con đường trung đạo, không hiểu quý huynh đệ dựa vào đâu lại chọn một cực đoan, quả quyết gạo lứt muối mè là độc đạo đem lại giải thoát giác ngộ. Đạo Phật không dạy ta tin mà không xét sự việc trên cơ sở của luật nhân quả. Khi quý huynh đệ xem việc ăn gạo lứt muối mè là công đức phải làm, là công phu phải hành trì, là chính là quý huynh đệ gieo nhân tà kiến. Và tà kiến không thể là chánh đạo, không thể dẫn đến chứng đạt chánh niệm, chánh định bao giờ. Cỏ không biến thành lúa. Rác không biến thành tiền.


Chúng tôi trộm nghĩ tà kiến này chẳng khác ngoại đạo thời Đức Phật chấp vào tà kiến lõa thể, thực hành hạnh con chó, hạnh con bò, v.v. Và chỗ đến của người theo tà kiến chỉ là địa ngục chứ không thể là Niết Bàn được vì câu kệ 86, kinh Pháp Cú có dạy:


Ai tu tập đúng pháp,


Ðược thuyết giảng rõ ràng,


Sẽ đạt đến Niết bàn,


Vượt cõi dục khó vượt.


Chúc quý huynh đệ sáng suốt biết mình nên hành trì những gì và không nên hành trì những gì để xứng đáng là đệ tử Phật.


Cụ thể, chúng ta xem gạo lứt muối mè chỉ là một cách trở bữa trong tháng ngày trường chay của mình, không cực đoan xem như đây chính là yếu tố chủ lực, quyết định cho việc tu học của mình. Chúng ta kiên quyết chỉ tin vào con đường Bát Chánh Đạo của Đức Phật đã dạy, không nhắm mắt chọn lấy bất cứ tà kiến nào để tu học, chấm dứt ý tưởng xem gạo lứt muối mè là tuyệt đối. Chúng ta không xiển dương một “pháp môn” làm biến dạng đạo Phật và Phật pháp. Bệnh là nghiệp, ta phải điều trị và ta tự hiểu ta đang trả nghiệp. Trên đời, không ai là người mạnh khỏe, sống mãi vì không sự vật, sự việc nào tránh khỏi luật vô thường


Nguyện cầu hồng ân chư Phật gia hộ quý huynh đệ siêng năng lễ Phật, tận tụy giúp đỡ, yêu thương con người và tinh tấn thiền định, ai ai cũng được thân tráng kiện, tâm định tĩnh dù không theo chủ trương gạo lứt muối mè.


Trân trọng.


Nguyễn Thị Kim Ngân








Thực dưỡng có chữa được bệnh không


Hỏi: Con tình cờ có nghe phương pháp thực dưỡng của Tiên Sinh Oshawa. Có thực phương pháp này chữa được nhiều bệnh không? Con đã hỏi nhiều vị tu sĩ nhưng không có câu trả lời thoả đáng. Kính mong quý Thầy và quý sư cô soi sáng thêm cho con. Con thấy bây giờ thực phẩm sao ghê quá kể cả ăn chay cũng vậy. Con có nghe vị giảng sư giảng về thực dưỡng nói: Tu sĩ là phải tự cứu được mình không thể mang thân của mình mà đi nhờ nguời khác chữa được. Như thế có đúng không thưa Thầy? Sao con thấy tu sĩ bệnh nhiều quá, kể cả những vị có chức danh cao... Con thật sự chưa rõ.

Sư cô Chân Không xin chia sẻ: Em không nên chờ đợi ai cho em câu trả lời thỏa đáng được, họ đâu phải là đấng thượng đế biết hết mọi việc. Quý Thầy và sư cô Làng mai là học trò của Bụt. Bụt dạy nhìn sâu, quán chiếu rõ thì thấy được câu trả lời. Em nên dùng tâm bình an của em, sự thông tuệ của mình mà tìm giải đáp lấy. Cứ nghe người ta giải thích nhưng phải tự tìm giải pháp của chính mình. Sau đây là sự thực tập của sư cô. Nhờ có quán chiếu sư cô thấy như vầy: thức ăn ngày nay đúng như em nói, có nhiều hóa chất quá. Hóa chất tự nó không xấu nhưng người trồng muốn thấy trái nhiều và quả to trong thời gian ngắn nên đã dùng rất nhiều phân hóa học, bất chấp liều lượng và những phản ứng phụ có thể rất độc hại. Còn người mua đi bán lại thì rất nhiều trường hợp, muốn cho quả đẹp, người ta ngâm trong nước thuốc bỏ màu, nhìn qua rất tươi mát bóng loáng nhưng độc hại cho sức khỏe. Phương pháp Oshawa dạy người ta chỉ ăn gạo lức muối mè là những chất có nhiều chất cần thiết cho cơ thể con người. Trong hai thứ này có cả những chất khoáng với liều lượng thật ít nhưng thật cần thiết cho cơ thể. Có người bệnh vì thiếu những chất khoáng đó hay thiếu quân bình âm dương sao đó nên bệnh không trị được bằng thuốc thông thường. Họ thử ăn uống theo gạo lức muối mè thấy có hiệu quả ngay. Họ cho là thần diệu. Nhưng có người bệnh vì nguyên nhân khác thì không thể chữa được theo phương pháp Oshawa. Tuy nhiên dù không hề đọc sách hay nghe giảng về phương pháp Oshawa nhưng ở Làng Mai quý thầy quý sư cô nấu ăn luôn có vừa gạo trắng vừa gạo lức. Ăn gạo nào cũng được, dạy nhai thật nhuyển, thật kỹ. Ăn như thế vẫn có lợi cho sức khỏe như thường. Sư Cô chưa hề đọc từng câu từng chữ phương pháp này nhưng nghe loáng thoáng là theo phương pháp Oshawa là ăn gạo lức muối mè mà không ăn các thức ăn khác thì sư cô nghĩ là ăn uống như vậy rất lành, “không giúp bề ngang cũng lợi bề dọc!”

Nhưng ăn uống chỉ giúp được phần thân mà thôi, con người cũng cần được nuôi dưỡng bằng những thức ăn của tâm nữa và phải nuôi thân tâm bằng bốn loại thức ăn thật lành theo lời Bụt dạy thì người mình mới có nếp sống nhẹ nhàng thoải mái và điều độ. (Em phải tới Làng Mai hay Tu Viện của Làng Mai (như Lộc Uyển- Cali, Bích Nham-NYC, Bát Nhã-Bảo Lộc hay Từ Hiếu, Diệu Nghiêm-Huế... gần nơi lưu trú của em để học hỏi). Ăn uống theo tiêu chuẩn bốn loại thực phẩm lành thì nhờ thế bệnh sẽ giảm đi nhiều và thân tâm thêm khỏe mạnh, thêm từ bi. Em ơi, tu sĩ hay người không tu đều có bệnh, hễ có thân thì có khi khỏe mạnh và có khi bệnh. Nếu là người vô danh thì khi bệnh ngặt nghèo cũng không ai biết. Em thử vào bệnh viện đi. Bao nhiêu là bệnh cho bao nhiêu người nhưng có ai biết đâu, nhưng nếu em là Thượng Tọa hay Hòa Thượng của Chùa lớn nào, của tu viện nào thì thân đổ bệnh như hàng trăm người khác nhưng thiên hạ đồn ầm lên: Hòa Thượng Y bị tiểu đường nặng lắm. Thượng Tọa XX bị tai biến mạch máu não... Rồi thiên hạ suýt soa: Tội nghiệp Hòa Thượng quá, tội nghiệp Thượng Tọa XX quá. Tại vì Thượng Tọa, Hòa Thượng có hàng ngàn đệ tử, còn các người bệnh kia thì nhiều lắm là vài chục người thân biết mà thôi. Cái cách em hỏi giống như tại tu mới bệnh nhiều thì không đúng. Đi tu nhẹ nhàng hơn người phải bon chen ở đời nhiều. Người tu theo Bụt dạy thì phải dấn thân giúp đời nhưng không bon chen, làm nhiều mà như chơi thôi nên thân cũng ít bệnh